*** Chúa tôn vinh người Cha trên con cái, củng cố quyền Mẹ trên đoàn con - ( Đức huấn ca 3.2 )*** - *** Người làm rạng danh Cha sẽ trường thọ, kẻ làm hài lòng Mẹ là thuận ý Chúa. - ( Đức huấn ca 9,6 )***
Đôi lời phi lộ
Internet phát triển làm không gian thu ngắn lại, và con người trở nên gần gũi với nhau hơn, giúp tình gia đình , tình gia tộc gắn bó với nhau hơn qua các website,hay đúng hơn là các trang blog. Nơi đây chúng ta có thể gặp gỡ nhau qua các hình ảnh, hay trao đổi tâm tình , có thể nêu những quan điểm chung, hay thì thầm nhỏ to với nhau, nhắc nhớ nhau và tham dự những ngày đáng nhớ trong năm v.v...Để nội dung trang blog được phong phú và nhiều bổ ích , mỗi thành viên trong gia tộc hãy là những blogger, những nhiếp ảnh gia, những cây viết thường xuyên của trang giatocnguyen.
Mong thay!

Thứ Năm, 29 tháng 10, 2009

Suy niệm Lời Chúa: Lễ Các Thánh Nam Nữ

LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ
Lời Chúa: Kh 7,2-4.9-14; 1Ga 3,1-3; Mt 5,1-12a

1. Các thánh

Nói tới việc nên thánh, nhiều người thường có thái độ hoài nghi và an phận, họ bảo: Nên thánh là chuyện của các linh mục, tu sĩ, những người có nhiều thời giờ để đọc kinh cầu nguyện, chứ còn chúng tôi phải ngược xuôi, bươm chải giữa lòng đời. Không trộm cắp giết người, không bỏ lễ ngày Chúa nhật, không bỏ xưng tội rước lễ vào mùa Phục Sinh cũng là khá lắm rồi, còn nói chi đến chuyện nên thánh.

Đó là một quan niệm sai lạc, bởi vì sự thánh thiện không phải là một lý tưởng dành riêng, một loại ngành chuyên nghiệp cấp cao, dân chúng đừng hòng mơ tưởng tới. Quan niệm này có lẽ xuất phát từ một thực tế, đó là trong số những vị thánh được Giáo Hội tuyên phong, thì con số giáo dân rất thấp so với các linh mục và tu sĩ. Hơn nữa, có những thời người ta đề cao tính chất phi thường và xuất chúng, thậm chí có lúc nhiều người thi đua nhau lập thành tích trong khổ chế. Rồi cùng với trí tưởng tượng, người ta đã thêu dệt thêm cho ly kỳ và hấp dẫn.

Còn một quan niệm sai lạc khác nữa coi việc xa tránh thế gian là điều kiện cốt yếu để nên thánh. Chúng ta thường nói: tu là cõi phúc, tình là giây oan, sự thánh thiện là một cái gì thuộc về cá nhân, không dính dấp chi tới cuộc đời. Vậy thì Giáo Hội quan niệm như thế nào về sự thánh thiện? Tôi xin thưa: trong Kinh Tiền tụng ngày lễ hôm nay, chúng ta vốn thường đọc: Khi tuyên dương công trạng các ngài, Chúa biểu dương chính những ân sủng Ngài ban. Nghĩa là các thánh không phải là những siêu nhân, nhưng là những con người bình thường, được Chúa tuyển chọn và ban cho tham dự vào sự sống của Ba Ngôi, được Chúa giúp sức để sống một cuộc sống phù hợp với Tin Mừng. Công trạng của các ngài là một đón nhận và không cản trở ơn huệ của Chúa.

Bởi vì chỉ mình Thiên Chúa mới là Đấng thánh, còn chúng ta được trở nên thánh, khi tham dự vào sự thánh thiện duy nhất ấy. Các thánh sở dĩ được tuyên phong là thánh, bởi vì cuộc đời các ngài được coi như là một tấm gương phản chiếu sự thánh thiện của Thiên Chúa. Mà vì Thiên Chúa đã xuất hiện nơi Đức Kitô, nên có thể nói cách khác rằng: Ai giống Đức Kitô, người ấy trở nên thánh thiện. Ai thực hiện những giá trị Tin mừng, người ấy trở nên thánh thiện. Một sự thánh thiện như thế rất có thể được thực hiện trong một đời sống rất bình thường. Thánh thiện Kitô giáo không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với hoàn thiện. Có những vị thánh mà vẫn bất toàn. Chính Chúa Giêsu cũng đã từng nói: Những kẻ trộm cắp, đĩ điếm có thể vào Nước Trời dễ hơn những kẻ tự coi mình là đạo đức, là mô phạm.

Đúng thế, với người trộm lành, Chúa Giêsu đã hứa: Ngay hôm nay con sẽ được lên thiên đàng với Ta. Có lần người ta đã thắc mắc tại sao vị tử đạo kia có hai vợ mà vẫn được làm thánh. Sở dĩ, ngài được làm thánh không phải vì có hai vợ, mà vì mặc dù tội lỗi như thế, ngài đã chấp nhận chịu chết để khỏi chối Chúa. Mất vợ thì được, chứ mất Chúa thì không.

Ngày nay chúng ta cần tới một sự thánh thiện tỏa rộng, một hình thức thánh thiện vừa bình dân, vừa gần gũi lại vừa có thể được thực hiện cho hết mọi người, thay vì một hình thức thánh thiện chọn lọc, dành riêng cho một thiểu số. Giáo Hội không phong thánh cốt để mà thờ, nhưng để tôn vinh Thiên Chúa, để khuyến khích chúng ta noi theo và bắt chước.

2. Các Thánh và bổn phận nên thánh

Hôm nay chúng ta mừng kính các thánh trên trời, là những bạn hữu nghĩa thiết của Chúa, là những người được Chúa tuyển chọn và tạo thành một đám đông vô kể bước vào vinh quang Nước trời, như thánh Gioan đã diễn tả:
   Các ngài thuộc những dòng họ đã được đóng ấn, mặc áo trắng và cầm cành lá thắng trận.

Chúng ta cũng có thể nói được rằng: các thánh là những bậc đàn anh đã đi trước chúng ta. Nhìn vào đời sống của các ngài, chúng ta cảm thấy được an ủi và khích lệ, bởi vì các ngài cũng đã phải chiến đấu trong cuộc chiến trần gian, các ngài cũng đã phải mang trên đôi vai thân phận yếu của kiếp người và cũng đã vấp phạm, có vị còn ngập chìm trong tội lỗi hơn cả chúng ta nữa.

Nhưng với ơn Chúa trợ giúp và cùng với những cố gắng cá nhân, các ngài đã chiến đấu, đã đi đến cùng mà vẫn giữ được đức tin. Các ngài đã kết thành một hàng rào danh dự chung quanh Con Chiên là chính Chúa.

Chắc hẳn bây giờ từ trời cao, các ngài đưa mắt nhìn chúng ta bằng cái nhìn trìu mến và thầm mong một ngày kia chúng ta cũng sẽ được bước vào cõi phúc trường sinh. Các ngài đã chỉ cho chúng ta con đường nên thánh mà các ngài đã đi qua. Các ngài sẽ nâng đỡ và nói với chúng ta rằng:
   Hãy tìm kiếm Chúa và đừng sợ hãi. Tất cả chúng ta đều được mời gọi nên thánh. Hãy bắt chước chúng tôi vì chúng ta cũng chỉ là những kẻ tầm thường và đáng thương. Hãy uốn nắn những sai lỗi. Hãy cố gắng trở nên trọn lành như lời Chúa đã truyền dạy.

Vào một buổi tối người mẹ đã nói với những đứa con của mình như sau:
   Mẹ sẽ rất vui mừng nếu như một trong các con trở nên một vị thánh.
Lập tức đứa bé nhất đã giơ tay lên và nói:
   Con sẽ là một vị thánh.
Đứa bé giữ lời hứa, lớn lên làm tới chức Giáo Hoàng với danh hiệu Celestinô V, và đã trở nên một vị thánh.

Trở nên một vị thánh không phải là một việc có thể được thực hiện trong một sớm một chiều, nhưng là kết quả của những cố gắng không ngừng, ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, trong suốt cả cuộc đời, để được luôn trung thành cùng Chúa.

Quan sát một người tập đi xe đạp, chúng ta thấy không phải cứ ngồi lên xe là đã chạy được ngay. Lúc đầu thế nào cũng xiêu bên nọ, xọ bên kia, ngã lên ngã xuống, rách cả quần, toạc cả đầu gối… Nhưng nếu cố gắng mãi, sẽ có lúc người ấy biết đi và biết đi một cách anh dũng, bỏ cả hai tay mà xe vẫn không đổ.

Hay như chú bé kia nuôi một con sáo, để tập cho con sáo biết nói, chú bé phải cho nó ăn ớt, rồi lặp đi lặp lại ngày này qua ngày khác lời mình định dạy cho nó, đến một ngày nó sẽ nói được.

Cũng vậy trên con đường trọn lành, chúng ta sẽ tiến lên từ từ, từng bước một, trong khi nhìn ngắm mẫu gương của các thánh. Cùng với sự trợ giúp của ơn Chúa và những cố gắng của bản thân, chúng ta sẽ học biết phải yêu mến Chúa như thế nào. Mỗi ngày sẽ là một bước tiến lại gần Chúa hơn. Chúng ta không phải chỉ trở nên thánh một lần thay cho tất cả, mà phải liên tục trở nên thánh. Chúng ta giống như người bơi ngược dòng nước, không tiến tức là lùi. Không cố gắng bơi sẽ bị dòng nước là những đam mê tội lỗi cuốn trôi.

Ơn gọi nên thánh không phải là một ơn gọi được dành riêng cho các linh mục và tu sĩ, nhưng là một ơn gọi của mọi người con Chúa, bởi vì con nhà tông không giống lông cũng giống cánh. Chắc hẳn Chúa sẽ vui mừng khi nhìn thấy những đường nét của Ngài trong tâm hồn chúng ta.

Hãy suy gẫm lời thánh Augustinô:
   Cậu nọ cô kia nên thánh được, còn tôi tại sao lại không?
   Dù trẻ hay già, dù đàn ông hay đàn bà,tất cả chúng ta đều có thể và phải trở nên thánh.

Thánh Đamascênô kể lại một mẩu chuyện như sau: ngày xưa ở một vùng kia, người ta có một tập tục kỳ lạ, đó là mỗi vị vua chỉ được trị vì mười năm. Trong thời gian đó, ông ta nắm giữ mọi quyền lực, đều hành mọi công việc, mặc sức sử dụng tiền bạc… Nhưng sau thời gian ấy, người ta sẽ tước đoạt phủ việt cũng như triều thiên và đày ải ông ta tới một hoang đảo xa xôi, để ông phải chết dần chết mòn trong cô đơn và tuyệt vọng.

Năm ấy có một vị vua lên ngôi, nhưng ông ta khôn ngoan hơn những người đi trước. Trong thời gian trị vì, ông ta chỉ có một ý nghĩ: phải chuẩn bị cho tương lai, kiến thiết hòn đảo xa xôi nơi ông ta sẽ bị lưu đày. Ông truyền cho người ta xây cất cung điện, biến rừng hoang thành những vườn cây ăn trái và những cánh đồng lúa xanh tươi. Rồi ông cho chở tất cả vàng bạc châu báu của vương quốc tới hòn đảo ấy.

Chúng ta thầm khen:
   Ông vua này quả là thận trọng và khôn ngoan.

Hãy bắt chước ông vua ấy, dùng cuộc sống ngắn ngủi hiện tại mà đầu tư cho cuộc sống vĩnh cửu mai sau. Hãy gửi trước về trời những kho tàng, là những hành động bác ái yêu thương của chúng ta.

Đừng lần lữa, nhưng hãy bắt tay vào việc nên thánh ngay từ hôm nay, bởi vì như một câu danh ngôn đã bảo:
   Việc hôm nay chớ để tới ngày mai, bởi vì ngày mai biết đâu đã quá muộn, liệu còn có hay không?

3. Các Thánh nam nữ

Sau 14 năm làm Giáo Hoàng, ĐTC Gioan Phaolô II đã tôn phong 553 vị thánh, trong đó có 117 vị thánh tử đạo Việt Nam, 103 vị thánh tử đạo Đại hàn, 25 vị tử đạo người Mêhicô. Quả thực cho đến nay trong lịch sử Giáo Hội chưa có vị Giáo Hoàng nào phong nhiều thánh như thế. Trước tình trạng này, có những nhà thần học cho rằng việc phong thánh trong Giáo Hội đang bị lạm phát và các người được tôn phong không còn được trọng kính như trước đây. Thế nhưng dưới ánh sáng của đoạn sách Khải huyền trong thánh lễ hôm nay, lập trường của những nhà thần học này xem ra có vẻ hẹp hòi.

Thực vậy, nên thánh phải là một ơn gọi, một bổn phận của tất cả và của từng người Kitô hữu như lời Chúa đã nói: Các con hãy trở nên trọn lành như Cha các con ở trên trời là đấng trọn lành. Mẹ Têrêsa Calcutta đã khai triển tu tưởng trên như sau: Sự thánh thiện không phải là một cái gì xa xỉ dành riêng cho các linh mục hay tu sĩ, nhưng bất kỳ người nào cũng có thể nên thánh bằng cách làm những công việc nhỏ bé và chia sẻ niềm vui yêu thương cho hằng triệu người đang cảm thấy bi bỏ rơi hất hủi và không được ai chăm sóc. Anh chị em có thể thay đổi cuộc đời họ bằng những công việc đơn sơ như trao ban một nụ cười. Vậy các thánh là người như thế nào?

Trong các nhà thờ cổ, khi nhìn lên bốn bức tường và các cửa sổ bằng kính người ta thường thấy hình các vị thánh với đủ mọi màu sắc. Một em bé nọ lần đầu tiên được mẹ đưa đi viếng thăm một nhà thờ cổ như thế, trong khi các du khacùc bị thu hút bởi những công trình nghệ thuật thì em bé lại dán mắt vào chân dung của các vị thánh được ghép bằng kính màu. Em ngạc nhiên nhưng lại không biết họ là ai? Và một du khách nào đó đã giải thích cho em biết đó là các vị thánh. Tối hôm đó em đã nói với mẹ rằng em biết ai là một vị thánh. Và em cho hay vị thánh là một người mà ánh sáng chiếu xuyên qua. Có lẽ không một định nghĩa nào xác đáng hơn về các vị thánh. Phải, các người là những con người mà ánh sáng tình yêu của Thiên Chúa chiếu xuyên qua. Chính với định nghĩa ấy mà hôm nay Giáo Hội mời gọi chúng ta ngước mắt nhìn lên để chiêm ngưỡng các vị thánh được Giáo Hội tôn phong hay không được ai biết đến.

Tất cả các vị thánh đều là những con người luôn để cho ánh sáng tình yêu Thiên Chúa chiếu xuyên qua mình, để soi tỏa cho mọi người chung quanh. Cũng trong chiều hướng ấy, ĐTC Gioan Phaolô II đã nói: Các thánh cũng là những con người yếu hèn như chúng ta nhưng ánh sáng Đức Kitô đã chiếu xuyên qua tất cả những yếu hèn ấy của thân phận con người. Qua cuộc sống của các ngài, Thiên Chúa gửi đến cho chúng ta một tín hiệu, đó là tất cả chúng ta đều được mời gọi nên thánh. Các ngài là nhưng ngọn hải đăng, chỉ cho chúng ta thấy con đường đến với Chúa. Và con đường ấy chính là con đường hanïn phúc, một hạnh phúc chân thật phù hợp với khát vọng cơ bản nhất của lòng người.

4. Thánh thiện

Linh mục Anthony de Melo có kể câu chuyện như sau: Có một linh sư Ấn giáo nọ nổi tiếng là bậc thánh thiện, ông đã mở được nhiều trung tâm cầu nguyện và qui tụ được nhiều đệ tử.

Ngày kia, có một người tìm thầy học đạo tình cờ đến trước cửa trung tâm. Con người khao khát chân lý từ bao năm nay cảm thấy như được giác ngộ khi gặp gỡ vị linh sư. Vị linh sư nói với anh:
   - Trước khi nhận ngươi làm đệ tử, ta thấy cần phải thử thách ngươi về sự vâng lời. Đằng trước trung tâm có một dòng sông dày đặc cá sấu, ta muốn ngươi phải lội qua dòng sông ấy.

Không một chút do dự, người thanh niên để nguyên quần áo quăng mình xuống dòng sông. Vừa lội qua dòng sông anh vừa hô lớn: "Tung hô quyền năng kỳ diệu của thầy tôi''.

Nhờ có sự hỗ trợ của nhiều người và của chính vị linh sư, người thanh niên đã bơi qua dòng sông và trở về an toàn. Sự kiện này càng làm cho vị linh sư thấy mình là người thánh thiện. Lập tức, ông cho tập trung các đệ tử trong nhà lại và trịnh trọng bước xuống dòng sông, vừa công khai bơi lội vừa hô lớn: "Tung hô quyền năng của ta, tung hô quyền năng của ta''. Thế nhưng, ông vừa dứt lời thì đàn cá sấu ào tới cắn xé ông ra từng mảnh.

Thánh thiện chính là quên mình, quên mình đến độ không được phép ý thức về sự thánh thiện của mình. Thiên Chúa ban cho ta sự thánh thiện là để cho người khác hưởng dùng. Bao lâu sự thánh thiện đem lại lợi ích cho kẻ khác thì bấy lâu người đó còn thánh thiện. Trái lại, kể từ giây phút một người thánh thiện giữ riêng ân huệ cho mình, thì người đó đánh mất sự thánh thiện, đồng thời đánh mất chính bản thân.

Thật ra, thánh thiện không là một đặc ân cho một số người ngoại hạng. Đó là ơn gọi của mỗi người Kitô. Người kitô không thể không là người thánh thiện, vì chính thánh thiện là tên gọi của Chúa Kitô: "Ngài là Đấng thánh''.

"Ngài là Đấng thánh'', bởi vì hơn ai hết Ngài là Đấng quên mình. Thánh Phaolô đã nói đến sự thánh thiện của Chúa Kitô bằng công thức: "Ngài để tự hạ vâng phục cho đến chết và chết trân Thập Giá''. Đó cũng là lý tưởng bắt buộc của mọi người tín hữu Kitô. Chúa Giêsu đã từng nói với các môn đệ: "Ai tìm sự sống mình thì sẽ mất, và ai đành mất mạng sống mình vì Ta người đó sẽ tìm lại được''. Quên mình, sống trọn vẹn cho người khác, đó chính là định nghĩa đích thực của sự thánh thiện

5. Nên thánh

Ngày kia, thánh Antôn tu rừng đã đến gặp bác thợ giày, vì nghe đồn bác là một người đạo đức lạ thường. Được hỏi về bí quyết nên thánh, bác thợ giày liền đáp:
   Tôi chỉ biết đóng giày mà thôi.

Ngạc nhiên, thánh nhân bèn hỏi lại:
   Nếu chỉ có thế, làm sao mà thánh thiện cho được. Như tôi đây, tôi thường nghĩ đến Chúa trong từng giây phút. Bác có bí quyết nào khác nữa không?

Bác thợ giày liền giải thích:
   Tôi làm việc tám giờ, cầu nguyện tám giờ và nghỉ ngơi tám giờ.

Thánh nhân vẫn chưa cho đó là một cuộc sống lý tưởng vì ngài cầu nguyện ở mọi nơi và trong mọi lúc. Thánh nhân hỏi tiếp:
   Còn về đức khó nghèo thì sao?

Bác thợ giày trả lời:
   Tài sản và lợi tức của tôi, một phần ba thì dâng cho Giáo Hội, một phần ba thì bố thí cho người nghèo, còn một phần ba thì giữ lại cho tôi.

Thánh nhân cũng chưa cho đó là một bí quyết trọn hảo, bởi vì chính ngài đã phân phát tất cả những gì mình có cho Giáo Hội và cho người nghèo. Vặn hỏi mãi, cuối cùng bác thợ giày mới chịu bật mí:
   Mặc dù tôi bố thí một phần ba cho người nghèo, nhưng đêm ngày tôi không thể ngủ yên khi nhìn thấy cảnh nghèo túng chung quanh tôi, đến nỗi tôi đã phải thân thưa cùng Chúa: Lạy Chúa, thà rằng Chúa để cho con phải xuống hỏa ngục, còn hơn là nhìn thấy những kẻ khốn khổ này phải sống triền miên trong cảnh nghèo đói.
Nghe nói thế, thánh nhân liền bỏ ra về vì ngài chợt hiểu rằng: Ngài chưa đủ thánh thiện như bác thợ giày, đến độ dám hy sinh tất cả vì người nghèo.

Từ câu chuyện trên, chúng ta nhận thấy có nhiều cách để nên thánh, dường như không có một mẫu mực thánh thiện nào chung cho tất cả mọi người. Có người nên thánh ngay trong bậc gia đình của mình giữa trần gian. Có người chịu chết vì đạo. Có người sống trong bậc tu trì. Mỗi vị thánh là một cách sống. Tuy nhiên, giữa những khác biết đó, vẫn có một mẫu số chung cho mọi cuộc sống thánh thiện, đó là tình yêu.

Thực vậy, Thánh Phaolô đã diễn tả: Dù tôi nói được mọi thứ tiếng, dù tôi làm được những việc lạ lùng, mà nếu không có đức ái, không có tình yêu, thì tôi cũng chỉ là như não bạt khua vang.

Không có đức ái, không có tình yêu, thì tòa nhà đạo đức của chúng ta chỉ được xây trên một nền móng hão huyền mà thôi. Chúa Giêsu cũng đã nói:
   - Các con hãy nên trọn lành như Cha các con ở trên trời là Đấng trọn lành.

Thiên Chúa là Tình yêu. Ngài đã yêu thương mọi người, không loại trừ một ai. Cũng vì tình yêu, mà Ngài đã xuống thế làm người như chúng ta và đó cũng chính là điểm tận cùng của tình yêu. Bác thợ giày trong câu chuyện vừa nghe không những đã dành mọi của cải cho người nghèo, mà hơn thế nữa bác còn nghĩ đến người nghèo như là lẽ sống của bác. Và đó chính là bí quyết cao vời nhất để nên thánh.

Bố thí tất cả của cải, xa lánh mọi thú vui, đêm ngày ăn chay cầu nguyện… Tất cả đều tốt, nhưng nếu sống như thế để tìm cho mình sự thanh thản trong tâm hồn vì sợ bị người khàc quấy rầy, thì vẫn chưa phải là lý tưởng cao đẹp nhất.

Hãy nên trọn lành như Cha các con ở trên trời là Đấng trọn lành. Đó phải là lý tưởng của chúng ta. Cha trên trời đã yêu thương mọi người đến nỗi đã trao ban chính Con Một Ngài. Thiên Chúa là Cha, bởi vì Ngài luôn sống cho con cái của Ngài. Và bây giờ đến lượt chúng ta, để trở nên giống Ngài, chúng ta cũng phải sống cho người khác, bằng những hành động bác ái và yêu thương, nâng đỡ và phục vụ mọi người. Đó chính là bí quyết giúp chúng ta trở nên tốt lành và thánh thiện.

6. Niềm hy vọng hạnh phúc

Những lời Chúa nói hôm nay thật lạ lùng. Khác hẳn với những gì người đời thường nói. Nhưng đem đến cho ta biết bao niềm hy vọng.

Trước hết là niềm hy vọng hạnh phúc. Cuộc sống trần gian có nhiều khổ đau đến nỗi nhiều người gọi trần gian là thung lũng nước mắt. Ai cũng mơ ước được hạnh phúc. Nhưng hầu như hạnh phúc luôn ở ngoài tầm tay con người. Với những lời chúc phúc hôm nay, Chúa cho ta biết Chúa đã dựng nên con người để được hạnh phúc. Dù hiện nay ta còn phải chịu nhiều đau khổ, ưu phiền, khốn khó, nhưng những đau khổ, ưu phiền khốn khó đó sẽ qua đi. Vì cuộc sống này chỉ là tạm bợ. Hạnh phúc Chúa hứa sẽ vĩnh cửu vì cuộc sống đời sau không bao giờ tàn úa.

Tiếp đến là niềm hy vọng Nước Trời. Hạnh phúc ta được không ở tại đời này, nhưng ở trên Nước Trời. Trên Nước Trời ta được hạnh phúc vì được làm chủ nhân Nước Trời. Và trên Nước Trời, ta sẽ được an ủi, được thương xót, được làm con Chúa, được thấy mặt Chúa. Đó là hạnh phúc tuyệt đối không gì có thể so sánh được.

Sau cùng là niềm hy vọng được chính Chúa. Qua những lời chúc phúc. Chúa cho ta hiểu rằng Chúa chính là nguồn mạch sự sống của ta, là tất cả ý nghĩa đời ta, là hạnh phúc của ta. Được Chúa là được tất cả. Chúa là sản nghiệp lớn lao sẽ khiến ta trở nên giàu có. Chúa là niềm an ủi khiến ta không còn sầu khổ. Chúa là hạnh phúc tuyệt đối khiến ta thỏa chí toại lòng không còn khao khát gì nữa. Còn gì hạnh phúc hơn khi ta được chiêm ngưỡng Chúa tỏ tường, được làm con Chúa, được Chúa yêu thương.

Tuy nhiên để đạt được Chúa, bản thân ta phải được thanh luyện theo con đường Tám Mối Phúc. Chính Chúa Giêsu đã đi vào con đường đó. Người đã sống nghèo, đã sống hiền lành khiêm nhường, đã chịu giết hại vì rao giảng Tin Mừng. Người đã mở đường đi về hạnh phúc.

Các thánh là những người đã đi theo Chúa Giêsu trên con đường thanh luyện. Các ngài đã giặt áo trong máu Con Chiên nên áo của các ngài trắng như tuyết. Các ngài được hưởng hạnh phúc Nước Trời vì các ngài đã chịu thanh luyện trong cuộc sống trên trần gian. Các ngài được chính Chúa vì các ngài đã từ chối không ham mê dính bén những của cải trần gian.

Vì thế, lễ các thánh là lễ của niềm vui. Chúng ta vui mừng vì các thánh chính là thân nhân của chúng ta, là tổ tiên, ông bà, cha mẹ, anh chị em, bạn bè chúng ta.

Lễ các thánh là lễ của niềm hy vọng. Các thánh là người như chúng ta với tất cả những thiếu thốn, những yếu hèn. Các ngài đã đạt tới hạnh phúc Nước Trời. Như thế chúng ta hy vọng cũng sẽ được hạnh phúc Nước Trời như các ngài. Chúng ta còn hy vọng hơn nữa, vì Chúa đã hứa cho ta được hạnh phúc Nước Trời làm sản nghiệp. Lời hứa của Chúa là niềm hy vọng của chúng ta.

Nhưng lễ các thánh cũng là lễ của phấn đấu. Con đường dẫn ta tới Nước Trời là con đường Tám Mối Phúc. Đó là con đường phấn đấu từ bỏ mình, từ bỏ những ham hố tranh dành, chiếm hữu, thống trị. Phấn đấu sống khiêm nhường và nhất là yêu thương xây dựng hòa bình. Khi phấn đấu sống như thế, ta xây dựng Nước Trời từ trần gian, biến trần gian thành nơi hạnh phúc, biến mọi người thành anh em. Khi phấn đấu xây dựng Nước Trời như thế, ta góp phần xây dựng hòa bình trên trần gian.

Lạy các thánh nam nữ ở trên trời, xin cầu cho chúng con.

7. Lễ các Thánh nam nữ

Hôm nay Giáo Hội hân hoan mừng lễ kính các thánh nam nữ trên thiên đàng, qua thánh lễ này chúng ta càng thấu hiểu hơn nữa về mầu nhiệm các thánh thông công của Giáo Hội, và khi suy niệm đến mầu nhiệm thông công này, chúng ta càng đặt niềm tin tưởng của mình vào Thiên Chúa và Hội Thánh hơn.

Các thánh là những con người, không ai có thể nên thánh nếu không đi qua cuộc sống làm người với những khổ đau, không đi qua đau khổ thì không thể trở thành một thánh nhân, bởi vì chính Đấng Cứu Chuộc nhân loại là Chúa Giêsu Kitô đã làm như thế: bị đánh đòn, bị đóng đinh vào Thập Giá và cuối cùng chết trên Thập Giá.

Các thánh nam nữ là những con người như chúng ta, khi còn sống ở thế gian các ngài cũng có tham sân si, cũng có kiêu căng, có giận hờn, có ghét ghen, có tham lam, có những tội lỗi mà chúng ta đã phạm hôm nay, nhưng các ngài biết cậy vào ơn Thiên Chúa và biết quyết tâm đứng lên cố gắng làm lại cuộc đời mình, biết chiến đấu với những cám dỗ để rồi hôm nay các ngài được hưởng phúc với Thiên Chúa và các thiên thần của Thiên Chúa trên thiên đàng.

Các thánh nam nữ là những con người như chúng ta, có vị đã từng làm vua, có vị đã từng làm quan lớn quan nhỏ, làm bác sĩ, làm kỹ sư, làm thấy giáo, làm nô lệ, có vị làm giáo hoàng, có vị làm giám mục, làm linh mục, phó tế, có các vị là nam nữ tu sĩ. v.v... nghĩa là các ngài đủ mọi thành phần giai cấp trong xã hội có những đời sống và hoàn cảnh khác nhau, nhưng các ngài đã có một mục đích để sống, đó chính là phải trở nên thánh, phải trở thành những bạn hữu của Thiên Chúa trong chính bổn phận của mình.

Các thánh nam nữ là những con người như chúng ta, nhưng các ngài đã biết thực hiện "Hiến Chương Nước Trời" tức là "Tám Mối Phúc" ngay tại trần gian này:
   - Các ngài giàu có nhưng đã sống tinh thần khó nghèo vì Nước Trời.
   - Các ngài bị người khác vu oan giá họa nhưng vẫn hiền lành với họ.
   - Các ngài đã chia vui với người vui và buồn với người buồn, nên được Thiên Chúa ủi an ngay khi còn ở đời này.
   - Các ngài mong muốn được trở nên người công chính, và sống công chính giữa một xã hội đầy mưu mô xảo trá, nên được Thiên Chúa cho thỏa lòng
   - Các ngài biết thương xót người, tức là biết động lòng trước cảnh thương tâm của người khác, nên được Thiên Chúa xót thương.
   - Các ngài sống trong danh vọng, sống giữa bụi trần với những đam mê của nó, nhưng vẫn giữ được tâm hồn trong sạch, nên các ngài được nhìn thấy Thiên Chúa.
   - Các ngài đi đến đâu là đem bình an của Thiên Chúa đến nơi đó, các ngài được gọi là những người biết kiến tạo hoà bình, nên các ngài được gọi là con Thiên Chúa.
   - Các ngài bị bắt bớ, bị đánh đập, bị tra tấn, bì tù đày vì các ngài sống và tin vào Chúa Giêsu, Đấng sẽ ban Nước Trời cho họ, nên các ngài đã được Nước Trời làm của mình sau khi từ giã cõi đời tạm này.

Các thánh nam nữ đều là những con người như chúng ta, các ngài đã trở nên những thánh nhân, thì chúng ta cũng có thể trở nên thánh như các ngài, bởi vì nên thánh là đòi hỏi của Phúc Âm và là mục đích sống ở đời của chúng ta - người Kitô hữu.

Xin Mẹ Maria và các thánh nam nữ trên thiên đàng, cầu bàu cho chúng ta là những người đang trên đường đi về quê trời biết noi gương của các ngài, biết quyết tâm đổi mới cuộc sống của mình, biết đứng dậy khi ngã xuống trong tội, và biết phục vụ và tha thứ cho nhau trong tình yêu của Thiên Chúa.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

8. Ơn gọi Kitô hữu

Trên một chuyến xe lửa, người ta chụm đầu vào nhau và bàn tán sôi nổi về một vụ phá thai vừa mới xảy ra ở trong vùng. Nhiều người đã bênh vực cho hành động ấy của người mẹ trẻ. Một vài người khác thì giữ thái độ yên lặng. Và chỉ có một cô gái đã thẳng thắn nói lên rằng:
   Không thể được, vì đó là một hành động sát nhân. Đứa nhỏ, dù mới chỉ là một thai nhi bé bỏng, cũng đã là một người có linh hồn và thể xác.

Chàng thanh niên, người tình của cô gái thì bĩu môi tỏ vẻ kinh bỉ trước lập trường dứt khoát của cô gái. Nhưng rồi ngày hôm sau, chàng thanh niên đã nhận được bức thư của cô gái, trong đó cô gái đã viết:
   Tôi không hy vọng rằng mình sẽ xây dựng được hạnh phúc với một kẻ không dám mở miệng bênh vực quan điểm của Giáo Hội.

Cô gái này quả thực là một người can đảm, dám lên tiếng bênh vực sự toàn vẹn của tôn giáo, dù có phải hy sinh cả một cuộc tình tốt đẹp. Tuy nhiên, cũng thật đáng buồn vì có rất nhiều người trong chúng ta lại hành động một cách khác hẳn. Đối với họ, sống là để làm việc. Và làm việc là để kiếm tiền. Và kiếm tiền là để nuôi sống gia đình, cũng như để có được những tiện nghi, những hưởng thụ tư riêng. Sau tất cả những công việc đó, nếu còn chút ít thời giờ, thì họ mới nghĩ đến tôn giáo và mới nhớ rằng mình cũng có một linh hồn bất tử và mình cũng là Kitô hữu. Có thể họ cũng sẳn sàng làm một vài việc đạo đức chiếu lệ nào đó, miễn là không mất quá nhiều thời giờ và không thiệt hại tới địa vị, danh vọng và lợi tức của họ. Còn nếu như đời sống tôn giáo đem lại những thiệt thòi và khó khăn, họ sẽ vội vã ban Chúa như Giuđa hay chối Chúa như Phêrô.

Nếu đọc lại lịch sử Giáo Hội, chúng ta sẽ thấy những tín hữu đầu tiên đã không sống và hành động như thế. Họ luôn hãnh diện tuyên xưng mình là Kitô hữ. Họ coi tước hiệu Kitô hữu là như một ơn gọi của Thiên Chúa xuất phát từ trời cao.

Chính vì thế, thánh Phaolô đã khuyên nhủ họ:
   Anh em hãy sống xứng đáng với ơn gọi của mình.

Còn chúng ta thì sao? Thái độ của chúng ta rất có thể đã thật khác xa với thái độ của các tín hữu sơ khai. Chúng ta đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội và có tên trong hồ sơ lưu trữ của giáo xứ. Đạo của chúng ta là đạo giấy tờ. Còn trong cuộc sống, chúng ta lại hành động trái với những gì chúng ta đã tin nhận, trái với lý tưởng cùa người Kitô hữu.

Phải chăng chúng ta chỉ là những Kitô hữu "dỏm", hữu danh vô thực. Có tên mà không sống, không làm, không hành động? Phải chăng danh hiệu Kitô hữu chỉ còn là như một chiếc phù hiệu mà nhiều lúc chúng ta cũng chẳng muốn mang lấy, vì nó ảnh hưởng tới lý lịch, nghề nghiệp và địa vị của chúng ta. Chỉ cần nhìn vào một vài việc đạo đức là chúng ta có thể thẩm định được chúng ta nghĩ gì về ơn gọi Kitô hữu của chúng ta. Chẳng hạn ngày Chúa nhật, chúng ta đi tham dự thánh lễ. Đi thì đã muộn, rồi lại còn tụm năm tụm ba đứng bên ngoài nhà thờ nói chuyện và hút thuốc. Chúng ta làm dấy thánh giá một cách nguệch ngọc, như vẽ bùa trên mình. Rồi khi thánh lễ chưa kết thúc, chúng ta đã vội vã ra về, đúng với tiêu chuẩn: đi muộn về sớm. Trong khi đó, chúng ta sẵn sàng thức khuya dạy sớm để coi một trận đấu bóng đá. Chúng ta lặn lội, bất kể đêm hôm mưa gió để đi coi một buổi trình diễn văn nghệ hay một vở tuồng cải lương…

Là Kitô hữu, chúng ta là những người đã được Chúa kêu gọi. Ơn gọi của chúng ta là nên thánh, là sống Phúc âm giữa lòng cuộc đời. Nếu chúng ta trung thành với ơn gọi, chắc chắn chúng ta sẽ được thừa hưởng vinh quang Nước trời mà Ngài đã hứa ban. Đức Kitô là đường, là sự thật và là sự sống. Ngài sẽ soi lối để chúng ta biết kính mến Thiên Chúa và yêu thương anh em, nhờ đó xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn. Là Kitô hữu, chúng ta trở nên như men trong bột, như ánh sáng trong bóng tối và như muối trong thức ăn. Hoạt động của chúng ta tuy âm thầm nhưng có sức hoán cải và đội mới cả xã hội này.

Rất nhiều lần tôi nghe những anh em ngoại giáo phát biểu như sau:
   Là người có đạo thế mà cũng vợ nọ con kia, thế mà cũng gian tham độc ác, thế mà cũng rượu chè cờ bạc…Tin đạo chứ không tin kẻ có đạo…

Nghe qua những lời phát biểu trên, hẳn chúng ta đã cảm thấy nhức nhối và cay dắng, bởi vì quả thực, chúng ta chưa sống xứng đáng với ơn gọi của mình. Chúng ta chưa thực sự trở nên trọn lành như Cha chúng ta ở trên trời là Đấng trọn lành.

Cầu nguyện

Lạy Chúa, hôm nay chúng con mừng kính các thánh nam nữ, là những bậc đàn anh đàn chị đã đi trước chúng con và đã chu toàn được ơn gọi Kitô hữu của mình. Xin cho chúng con biết luôn cố gắng sửa đổi lại những sai lỗi và khuyết điểm, đồng thời ra sức thực thi giới luật yêu thương của Chúa để chúng ta trở thành những chứng nhân của Chúa giữa lòng cuộc đời. Xin cho chúng con luôn ghi nhớ lời thánh Augustinô: Ông nọ bà kia nên thánh được, còn tôi tại sao lại không?

Thứ Tư, 14 tháng 10, 2009

Ơn Toàn xá trong Năm Thánh 2010 (Phụ lục Thư Công bố Năm Thánh 2010)

PHỤ LỤC THƯ CÔNG BỐ NĂM THÁNH 2010
Về việc hưởng ơn Toàn xá trong Năm Thánh

 

1. Trích Văn thư số 882/08/I của Tòa Ân giải Tối cao ngày 11-02-2009:

Tòa Ân giải Tối cao, thừa lệnh Đức Thánh Cha, ban ơn Toàn Xá, theo các điều kiện thông thường (xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng) được chu toàn đúng phép, cho các Kitô hữu thực tâm thống hối, trong tất cả và từng nhà thờ và nhà nguyện ở Việt Nam ; họ cũng có thể nhường ân xá cho các linh hồn ở luyện ngục:

a.- trong các ngày 24 tháng 11 năm 2009 và 02 tháng 01 năm 2011, tức ngày khai mạc và kết thúc trọng thể Năm Thánh mừng Kim Khánh Hàng Giáo Phẩm tại Việt Nam ;

b.- trong mọi ngày dành cho các mục đích tôn giáo chung cho toàn thế giới hoặc theo thói quen ở Việt Nam, như được xác định trong thư xin (xem số 2 dưới đây);

c.- trong các ngày có cử hành nghi lễ trọng thể do Đức Giám Mục Giáo Phận hoặc Đức Giám Mục khác thay thế ngài chủ sự ;

d.- mỗi lần, vì lý do đạo đức, họ đi hành hương, từng cá nhân hay theo đoàn thể, đến Nhà thờ Chính tòa hoặc một Đền thánh được chỉ định trong Năm Thánh.

Những người cao tuổi, đau yếu và những ai có lý do hợp pháp không ra khỏi nhà được, có thể hưởng ơn Toàn Xá nếu chung lòng hợp ý với những người đang tham dự phụng vụ hoặc hành hương Năm Thánh, sốt sắng đọc kinh Lạy Cha, kinh Tin Kính và lời khẩn cầu Đức Trinh Nữ Maria trước ảnh tượng của Người, thực lòng ghét bỏ mọi tội lỗi, và khi có thể thì giữ ba điều kiện thông thường.
Các tín hữu Việt Nam ở hải ngoại cũng sẽ được hưởng ơn Toàn Xá trong các ngày và tại các nơi thánh được xác định đúng phép, với sự đồng ý của các Đấng Bản Quyền Giáo Phận.

2. Các ngày cử hành đặc biệt trong Năm Thánh 2010 do Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Chủ tịch HĐGMVN, liệt kê trong thư xin mở Năm Thánh:

1
24-11-2009
Khai mạc Năm Thánh tại TGP Hà Nội
2
 
Khai mạc Năm Thánh tại mỗi giáo phận
3
03-12-2009
Lễ Thánh Phanxicô Xaviê, Bổn mạng các Xứ truyền giáo
4
27-12-2009
Lễ Thánh Gia Thất
5
10-01-2010
Ngày quốc tế di dân
6
02-02-2010
Lễ Dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh, Ngày quốc tế Đời sống thánh hiến
7
11-02-2010
Lễ Đức Mẹ Lộ Đức, Ngày quốc tế Bệnh nhân
8
14 – 16-02-2010
Tết Nguyên Đán
9
19-03-2010
Lễ Thánh Giuse, Bổn mạng Hội Thánh và Giáo Hội Việt Nam
10
28-03-2010
Lễ Lá, Ngày quốc tế Giới trẻ
11
25-04-2010
Chúa nhật IV Phục Sinh, Ngày quốc tế cầu nguyện cho các Ơn gọi
13
01-05-2010
Kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (1980)
14
16-05-2010
Lễ Chúa Thăng Thiên
15
23-05-2010
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống
16
11-06-2010
Lễ Thánh Tâm, Ngày thế giới cầu xin ơn Thánh hóa linh mục
Nhớ ngày tấn phong Giám mục Việt Nam tiên khởi, Đức cha Gioan B. Nguyễn Bá Tòng (1933)
17
29-06-2010
Lễ Thánh Phêrô và Thánh Phaolô, Tông Đồ
18
26-07-2010
Lễ Chân phước Anrê Phú Yên, Bổn mạng các Giảng viên giáo lý Việt Nam
19
15-08-2010
Lễ Đức Mẹ lên trời, Thánh Mẫu La Vang
20
09-09-2010
Kỷ niệm 350 năm thành lập hai Đại diện Tông Tòa Đàng Trong và Đàng Ngoài
21
14-09-2010
Lễ Suy tôn Thánh Giá, Lễ Tước hiệu các Hội dòng Mến Thánh Giá
22
01-10-2010
Lễ Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Bổn mạng các Xứ truyền giáo
23
11-10-2010
Kỷ niệm ngày Chân phước Giáo hoàng Gioan XXIII ký Tông hiến "Venerabilium Nostrorum" thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam
24
24-10-2010
Ngày Thế giới cầu nguyện cho việc truyền giáo
25
22 – 25-11-2010
Đại hội Dân Chúa Việt Nam tại TGP TP.HCM
26
03-12-2010
Lễ Thánh Phanxicô Xaviê, Bổn mạng các Xứ truyền giáo
27
26-12-2010
Lễ Thánh Gia Thất
28
 
Bế mạc Năm Thánh tại mỗi giáo phận
29
 
Lễ Hiển Linh, Bế mạc Năm Thánh tại Lavang, TGP Huế
   

 

Nguồn: WHĐ
Cảnh sưu tầm

Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2009

Cám ơn Chú dì Thành và các em.

Nhân dịp vợ chồng Cao-Hoa về thăm nhà, Chú dì đã ưu ái gửi quà cho chúng cháu.Chú dì đã nhớ đến từng gia đình một.
Chúng cháu xin cám ơn Chú dì và các em.
Nguyện xin Ơn Trên ban sức khỏe và mọi ơn lành cho Chú dì và từng gia đình của mỗi em.
Kính
Các cháu ở VN

TB : chúng cháu đã thấy mặt bạn gái của Thủy trên mạng facebook rồi. Bao giờ Chú dì tính việc cho Thủy đây ?

Đêm 30-9. Đón vợ chồng Cao-Hoa

Hình đêm 30-9 :
- Đón tại phi trường.
- Tại nhà Mẹ.

Ngày 1-10 ở VN.

Hình ngày 01-10 :
- Mẹ cho quà vợ chồng Út Cao-Hoa
- Đi hát karaoke với anh Cường và các cháu

  • giatộc Nguyễn